hành trình Myanmar khám phá vẻ đẹp hài hòa giữa những bụi cây nhiệt đới, công viên, hồ nước xen lẫn kiến trúc truyền thống và thuộc địa từng giúp Yangon (Myanmar) mang danh “Thành phố vườn Phương Đông” khi còn là thuộc địa của Anh.
Những điều khác lạ có thể bạn chưa biết tại đất nước chùa vàng
Yangon, vườn phương Đông một thời.
Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công lúc đó được so sánh tốt ngang với London đầu thế kỷ 20.
Sau khi giành độc lập từ tay người Anh và chuyển thủ đô hành chính về Naypyitaw, ngoài một số tòa nhà công như tòa thị chính, nhà ga, bưu điện… tại Yangon hiện còn nhiều kiến trúc thuộc địa bỏ trống.
Myanmar từng là chiến trường chính của Nhật ở Đông Nam Á trong thế chiến 2, nhưng người Myanmar ngày nay không còn nhắc gì đến vết tích chiến tranh. Dấu ấn của Nhật Bản lại đậm nét trong hệ thống hàng hóa hoặc xe cộ Made in Japan như những thương hiệu Toyota, Nissan, Mitsubishi, Mazda hay Isuzu đầy trên đường phố Yangon.
Tòa thị chính và chùa Sule, trung tâm thành phố Yangon.
Sau hơn nửa thế kỷ cách biệt với thế giới và mới mở cửa 3 năm nay, Yangon mang đậm tính chất hiện đại pha cũ xưa, đặc điểm của thành phố đang trong giai đoạn chuyển mình tại một quốc gia đang phát triển.
Người dân không sống tại các nhà riêng, chủ yếu sống ở các khu dân cư đã được quy hoạch sẵn. Lý do (người bạn Myanmar của tôi giải thích) là vì không đủ tiền mua nhà hay mua đất xây nhà. Trong khi đó, những khu chung cư đã cao tuổi, vỉa hè xuống cấp, đường sá bụi bặm, đất cát gạch đá ngổn ngang.
Một khu chung cư tại phía nam thành phố.
Những khu dân cư cao tầng, cửa sổ và lan can treo đầy quần áo, những chảo ăngten truyền hình treo vươn ra ngoài tường nhà. Những cột điện dây nhợ chằng chịt nằm rải rác trên đường phố.
Người dân ở tầng cao vẫn buộc dây thả lòng thòng xuống đất, vừa mang chức năng làm chuông báo, vừa dùng mua hàng hóa kéo lên.
Những chiếc làn, túi mắc vào dây trước cửa chung cư.
Lũ chim bồ câu không sợ người, bay đậu đầy trên cây, dây điện, mái chùa, bờ tường. Nếu đang đi lang thang trên đường phố Yangon, nhất là khu dân cư, mà bạn cảm thấy có thứ gì đó rơi trên đầu, hoặc trên vai áo, thủ phạm chính là những chú chim rất gần gũi với cuộc sống của con người.
Những chú chim bồ câu đậu trên dây điện sau khi đã no nê.
Giao thông ở Yangon khá đặc biệt vì cấm xe máy, chỉ cho xe hơi và xe công cộng lưu thông. Xe buýt là phương tiện giao thông chính cho người dân đi học, đi làm hàng ngày. Tuy nhiên xe buýt thì cũ, nóng và luôn đông nghẹt, từ sáng sớm đến 20 - 21 giờ tối.
Bạn tôi nói rằng nhiều người dân đi làm xa phải chờ xe buýt nên về nhà rất trễ. Đó là lý do tại Yangon có nhiều chợ đêm phục vụ người đi làm về khuya.
Một góc chợ địa phương.
Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là những chiếc xe đạp thồ ba bánh của những người nghèo mà tôi gọi là “Myanmar sidecar”. Ngoài người lái chính, chiếc xe có thể chở thêm 2 người ngồi đâu lưng ở chiếc thùng bên cạnh.
Tuy nhiên, không phải đường phố nào tại Yangon cũng cho phép loại xe này lưu thông.
Hiện đại và thô sơ ở Yangon.
Nhiều công trình cao tầng hiện đại, đường sá, cầu vượt đang được xây dựng quanh thành phố, đặc biệt quanh hai chiếc hồ lớn Inya và Kandawgyi. Điều này khiến nhiều phố xá phủ đầy bụi và kẹt xe giờ cao điểm.
Bên lề đường khu dân cư không thiếu những quán cà phê và quán bán đồ ăn sáng đêm. Các cửa hàng tạp hóa bán đồ đạc, bánh kẹo, snack, mứt, trái cây khá đơn giản khiến hình ảnh tuổi thơ thời bao cấp của chính mình chợt ùa về.
Tôi tìm mãi nhưng không thấy dấu vết của khu vườn Phương Đông, mà chỉ thấy dấu ấn của một thời đóng cửa. Tôi đã hiểu hơn khuyến cáo của giới thích khám phá: Hãy trải nghiệm một Yangon cũ trước khi nó trở thành một Yangon mới hoàn toàn.
Một sạp nhào bột bán quẩy trên đường phố.