“Thánh điển Phật giáo” hay quyển sách bằng đá lớn nhất thế giới nằm ở chùa Kuthodaw là một trong những thứ bạn nhất định phải chiêm ngưỡng khi đi thăm quan Myanmar. Quyển sách cổ này chứa đựng những nét lịch sử, triết lý đạo Phật mà Phật tử nào cũng mong chiêm ngưỡng.
Top 10 địa điểm hành hương không thể bỏ qua khi đến Myanmar - Phần 2
Tọa lạc tại Mandalay - thủ đô cuối cùng của các triều đại vua ở Myanmar, chùa Kuthodaw được xây dựng năm 1857 dưới thời cai trị của hoàng đế Mindon Min (1808 - 1878). Đây là một quần thể bao gồm ngôi chùa chính và nhiều đền tháp nhỏ xung quanh, được xây dựng như một phần của hoàng cung Mandalay. Chùa chính của Kuthodaw cao 57m, mạ vàng, được xây dựng mô phỏng theo chùa Shwezigon nổi tiếng. trải nghiệm Myanmar
Hàng năm, Kuthodaw thu hút rất đông khách thăm quan thập phương ghé thăm, nhất là các Phật tử không chỉ bởi giá trị về lịch sử, kiến trúc của ngôi chùa mà còn bởi nơi đây đang lưu giữ "cuốn sách lớn nhất thế giới". Nhắc đến sách hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những cuốn sách dày cộm hoặc sách điện tử. Tuy nhiên, cuốn sách lớn nhất thế giới lại không mang hình dạng như trên mà nó được làm bằng đá.
“Thánh điển phật giáo” nằm trong khuôn viên của chùa và được làm bằng 729 phiến đá cẩm thạch khổng lồ, trên cả 2 mặt đều được khắc bản kinh Phật giáo Nguyên thủy. Các phiến đá được đặt trong những tòa nhà nhỏ trông giống những hang động và có kích thước 1,5m x 1m mỗi phiến. Được biết, đá cẩm thạch được khai thác từ vùng Sagyin cách Mandalay 51 km và được vận chuyển bằng đường sông tới khu vực xây dựng.
Có 730 tháp được sắp xếp gọn gàng theo 03 hàng (trong cùng là 42 tháp, 168 tháp ở giữa và ngoài cùng là 519 tháp) xung quanh ngôi chùa vàng trung tâm. Sách có tổng cộng 1.458 "trang", mỗi mặt đều có khoảng 80 - 100 dòng chữ. Công việc khắc đá được hoàn thành và mở cửa cho công chúng vào chiêm bái ngày 4/5/1868.
Đây là thư viện 150 năm của vua Mindon và là bản kinh Pali bằng chữ viết điển hình đầu tiên trên thế giới, được UNESCO công nhận vào năm 2013 là “Ký ức Thế giới”.
Lịch sử tạo ra cuốn thánh điển này khá thú vị. Theo các nhà khảo cổ, vào năm 1857, chùa Kuthodaw được xây dựng nhằm đánh dấu sự thành lập của thành phố Mandalay. Lo lắng về sự xâm lăng của Anh quốc vào miền Nam và mong muốn để lại một công trình kiến trúc ấn tượng nhằm truyền bá Phật giáo cho đời sau cũng là 2 nguyên nhân khiến Đức vua Mindon Min cho xây dựng chùa.
Trong quá trình xây Kuthodaw, ông còn cho khắc toàn bộ Tam Tạng Kinh Pali của Phật giáo Nguyên thủy bằng vàng trên những phiến đá khổng lồ. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản và đã khiến những người chép thuê đã phải mất 3 ngày để viết chữ lên hai mặt của phiến đá. Sau đó, các thợ xây phải mất cả ngày để khắc được 16 dòng và cuối cùng là mạ vàng. Công việc làm nên cuốn sách đá cứ thế mà tiếp tục.
Khi xâm chiếm miền Bắc, quân Anh đã tiếp quản nhiều địa danh tôn giáo và có cả ngôi chùa Kuthodaw này. Khi đó, quân Anh đã đệ đơn với Nữ hoàng Victoria để lấy hết những vật quý trong chùa và được chấp thuận. Tuy nhiên, trước khi quân Anh kịp đến thì hầu hết vàng bạc, đá quý đã bị lấy khỏi các phiến đá và mái nhà của chùa. Qua những biến cố của lịch sử, “Thánh điển Phật giáo” đã bị hư hại ít nhiều và vẫn chưa được khôi phục lại vẻ lộng lẫy như ban đầu. Qua nhiều lần phục chế, nhiều chữ vàng đã không còn, chỉ còn lớp muội đen hay những vệt khắc đá.
Tuy nhiên, ý nghĩa, lịch sử, nội dung, giá trị về mặt văn hóa tri thức của sách vẫn thu hút người ta tới chiêm ngưỡng. Tương truyền, dù đọc miệt mài 8 tiếng mỗi ngày, Lữ khách cũng phải mất đến 450 ngày mới có thể đọc toàn bộ "cuốn sách".