hành trình Myanmar - tìm hiểu những giá trị mới của Yagon, một thế giới mà những tập quán văn hóa và tín ngưỡng vẫn đang liên tục tạo ra mâu thuẫn nhưng vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.
Ký Sự Myanmar Qua Góc Nhìn Của Riêng Tôi (P.2)
Yangon đã đóng băng trong suốt gần 50 năm qua dưới chế độ độc tài quân sự. Rồi một ngày Myanmar mở cửa. Trên phố, bạn bắt đầu nhìn thấy đủ thứ giá trị mới: những chiếc xe tải màu đỏ có logo Coca-Cola chạy đầy phố, hay thậm chí là xe tải của Hãng Unilever có hình ca sĩ Mỹ Linh đang quảng cáo một nhãn hàng nước giặt (có lẽ vì hãng này chưa kịp thực hiện chiến dịch quảng bá riêng cho thị trường Myanmar).
Cạnh chợ đá quý Boyoke với những món mỹ nghệ huyền thoại, một cái Parkson đã mọc lên.
Chiếc xe tải màu đỏ của Coca-Cola đỗ ngay trên đường Sule Pagoda. Phía cuối con đường, giữa quảng trường, là chùa Sule với ngọn tháp lớn màu vàng vươn lên giữa những dãy nhà hành chính mang kiến trúc phương Tây từ thời thuộc địa.
Cạnh đó là một mosque - thánh đường Hồi giáo. Bên kia phố, những người gốc Ấn vẫn đang chăm chỉ bán thứ trà sữa nóng đặc trưng của họ. Người gốc Hoa đang chan nước vào những bát mì hoành thánh. Một quán cà phê mới mở ở góc này phố.
Người Myanmar không thực sự “ngồi quán cà phê” theo cách hiểu thông thường trên toàn cầu. Đó là một thứ văn hóa rất mới. Họ bước vào quán cà phê, gọi ra một phích nước nóng và một gói Nescafe - thứ “văn hóa phẩm” mới được du nhập vài năm nay - rồi tự pha và uống.
Rất nhiều nền văn minh cùng tồn tại trong một không gian đặc quánh, trộn lẫn vào nhau. Thậm chí, các thế kỷ cũng song hành: ở đầu này con đường là những biển quảng cáo lớn của Ooredoo - hãng viễn thông khổng lồ của Qatar, đầu kia là những người đánh máy chữ thuê và một bàn gọi điện thoại công cộng, với chiếc điện thoại cố định được kéo dây ra tận vỉa hè, chễm chệ.
Quan sát Myanmar những ngày này là quan sát một cuộc pha trộn hiếm có. Hầu hết tiến trình “toàn cầu hóa” diễn ra ở những nơi khác đã được triển khai âm thầm trong hàng thập kỷ.
Ở Myanmar, vị trí địa lý và lịch sử đặc biệt vốn đã khiến họ trở thành một tụ điểm của nhiều nền văn hóa, nay lại được “tiếp sức” bởi một quyết định mở cửa đột ngột sau hàng chục năm đóng cửa.
Cho đến bây giờ, những Coca-Cola, Ooredoo, Parkson, Nestlé hay là nước giặt có Mỹ Linh làm người mẫu hình ảnh, vẫn đang chung sống tốt đẹp với những điều cũ kỹ.
Một ngày, tôi xông vào tòa soạn Myanmar Times, tờ báo tiếng Anh lớn nhất đất nước này. Chẳng giấy tờ, chẳng hẹn trước, tôi bảo mình từ Việt Nam sang, rất muốn gặp một ai đó có thể trò chuyện về nền báo chí Myanmar. Rất văn minh và cởi mở, họ đồng ý.
Phó tổng biên tập Myanmar Times ra tiếp tôi. Tòa soạn ấy rất đẹp. Nó thậm chí đẹp hơn nhiều tòa soạn lớn bên Mỹ mà tôi đã qua. Không gian mở, được thiết kế tinh tế bằng kính, thép và gạch trần - gợi nhớ đến trụ sở của những hãng công nghệ hay được đem ra trưng trên mục “kiến trúc”.
Cuộc trò chuyện thoải mái. Chúng tôi nói cả về chính trị. Tiếng Anh của ông phó tổng rất hoàn hảo. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất trong buổi nói chuyện là khi ông đứng dậy giữa chừng, tháo cái longyi của mình ra, để lộ cả chiếc quần lót phía dưới rồi buộc lại cho chắc chắn.
Longyi là cái khăn quây mà đàn ông Myanmar quấn quanh bụng để mặc thay váy. Họ không mặc quần ở trong. Ông phó tổng biên tập làm cái động tác ấy rất đỗi tự nhiên, không tỏ chút ái ngại nào với những vị khách nước ngoài trong phòng.
Một tòa soạn tiếng Anh hiện đại với các phóng viên quốc tế, những giá trị dân chủ phương Tây không động chạm được gì đến cái váy của ông.
Trên những con đường Myanmar giờ có hai màu đỏ nổi bật. Màu đỏ của thương hiệu Coca-Cola ngày càng dày đặc. Và màu đỏ của bã trầu được nhổ ra trên vỉa hè thành những vệt kỳ dị.
Dân xứ này vẫn ăn trầu, những miếng trầu têm sẵn được bán ở khắp nơi như thuốc lá. Có thể sẽ mất một thời gian quan sát nữa để thấy được sự đổi thay trong số phận của miếng trầu hay cái longyi. Giờ thì chúng vẫn tồn tại tự nhiên như hơi thở của dân Myanmar.
Nguồn Tuổi trẻ