Nếu như bản thân Bagan hiện nay chỉ còn là di chỉ khảo cổ, tựa như những bộ xương khủng long hóa thạch, thì ở Salay, ngoại vi Bagan, khách thăm quan hành trình Myanmar có thể tham quan các tu viện còn đang hoạt động tại đây. Salay ngày nay được coi là một trong những trung tâm Phật giáo còn đang hoạt động ở Myanmar.
Những trải nghiệm khiến bạn không thể quên MyanmarNhư tất cả khách thăm quan, chúng tôi dừng chân ở tu viện nổi tiếng Kyaung Youqson. Ở đây, chúng tôi tham quan tòa nhà cộng đồng của một tu viện cổ nhất còn hoạt động ở vùng Bagan, nghe nói đã gần 300 năm tuổi, hiện đã biến thành bảo tàng. Tòa nhà cộng đồng này là một nhà sàn toàn bằng gỗ tếch, có tuổi trên trăm năm. Tuy mái nhà đã bị thay bằng tôn, nhưng ấn tượng chung vẫn rất hoành tráng. Dưới gầm sàn là một rừng 170 cái cột cổ đen nhánh, cột nào cột nấy to bằng người ôm. Mỗi mặt sàn có 3 cầu thang gạch dẫn lên. Thành của mỗi cầu thang là hai con Naga to cao lút đầu người.
Nhà cộng đồng ở tu viện Kyaung Youqson.
Sàn nhà rộng mênh mông, đều bằng gỗ. Từ mặt sàn lên đến đỉnh trạm trổ cực kỳ tinh vi, cầu kỳ. Gần như từng cm2 gỗ lộ ra là đều trạm trổ, chủ yếu theo các kinh điển Jataka. Đại sảnh tranh tối tranh sáng, lại là một rừng cột cao vút, to đùng, đỡ lấy giàn trần gỗ chạm trổ hoa văn li ti như lá, khiến ta như lạc vào một khu rừng đại ngàn. Giữa khu rừng đó là một ông Phật áo vàng nhỏ xíu bằng người thường, ngồi trên bục đơn giản. Xung quanh không thấy bầy hương hoa đèn đóm gì. Hình dung ngày xưa, khi đại sảnh này còn hoạt động, chưa phải là bảo tàng, hàng trăm tăng ni sẽ ngồi quây quần bên sàn, xung quanh tượng phật kia để thiền định, hoặc tụng kinh, giống như những phật tử mấy ngàn năm trước từng quây quần quanh Thích Ca Mầu Ni trong vườn Cấp Cô Độc.
Hệ cột gỗ ở đại sảnh.
Khi chúng tôi đi dạo quanh hiên nhà để ngắm công trình, nhìn qua hàng rào sang tu viện bên cạnh thì một ông sư già, mặt láu lỉnh, nháy mắt ra hiệu chúng tôi sang bên đó.
Sư già sống một mình trong một tòa nhà xây gạch, to như một ngôi biệt tự pháp cổ. Đầu tiên, sư cho chúng tôi xem một loạt ảnh treo trên tường. Trong ảnh chụp ngôi nhà sư đang ở ngày trước, là một biệt thự xa hoa lộng lẫy, trong đó có một chú tiểu nhỏ khoảng 7, 8 tuổi, mặc cà sa đỏ, cực kỳ khôi ngô tuấn tú. Sư chỉ vào cậu rồi chỉ vào mình, ra điều đó chính là ta thủa bé đấy. Thấy mọi người đều trầm trồ vẻ khôi ngô của cậu, sư khoái chí ra mặt. Rồi sư giới thiệu người phụ nữ ăn mặc vương giả đang dắt tay cậu, bảo đó là mẹ của ông. Bên cạnh đó còn những ảnh khác chụp cả gia đình, bố mẹ và hai đứa con nhỏ. Xem cách ăn mặc, nếu không phải vương tôn hoàng tộc thì ít ra cũng phải thuộc dạng đại gia gớm ghê một thời.
Tiếp theo đó, sư lại khoe những chiếc tủ cổ bằng gỗ cực kỳ tinh vi, đã lên nước đen bóng. Mở ra, tủ nào cũng đầy ắp hàng trăm cuốn kinh cổ, trông như bộ bách khoa toàn thư, bọc da, chữ bìa bằng vàng quỳ. Sư ra hiệu rằng đấy đều là kinh sách của ta, và ta đã đọc hết, cho hết vào trong đầu rồi.
Chi tiết trạm chổ trên mái nhà cộng đồng ở khu tu viện Kyaung Youqson.
Chúng tôi tỏ vẻ thán phục sát đất. Sư vui lắm, cười ha hả, vỗ vai tôi rồi dắt ra chỉ tiếp ở một góc nhà là một cái giường gỗ đơn giản ọp ẹp, trên giường trải tấm thảm cũ rách rưới, ra hiệu đó là chỗ ta ngủ. Lại chỉ bên cạnh, lăn lóc dưới đất là mấy mảnh chậu, bếp dầu, bát, cốc chén cóc cáy bẩn thỉu, ý là đây là đồ ta dùng để ăn, lôi từ một cái túi nilon treo trên cửa ra một đôi dép rách, một cái quạt rách, bảo đây là đồ để đi và để quạt.
Cuối cùng, ông dẫn tôi tới trước ban thờ Phật. Một ban thờ nhỏ xíu như ban thờ nhà công chức nhà ta. Trên đó có một ông Phật kiểu hàng chợ trung quốc cũng nhỏ xíu, đầu đội đèn tầu nhấp nháy xanh đỏ. Bàn thờ không có hương hoa oản quả hay đồ thờ cúng gì. Trước mặt ông Phật chỉ có một cái cốc thủy tinh cóc cáy bẩn. Sư già ra hiệu bảo tôi lạy Phật đi rồi bỏ tiền quyên góp vào cái cốc đó. Tôi bỏ ít tiền vào cốc. Sư cười ha hả, rồi dắt tôi đi ra, sang bên cạnh tham quan khu đền tháp của chùa.
Thì ra mỗi tu viện đều có một khu đền tháp bên cạnh. Giữa khu là bảo tháp xây đặc. Xung quanh là một loạt đền, trong mỗi đền có một ông tượng. Khi chùa còn hoạt động thì các đền và bảo tháp đều quét vôi trắng tinh. Ngọn tháp và mái đền, hoặc ít nhất là chỏm mái đều sơn vàng. Tu viện nào sang thì vàng là vàng thật, sáng chói trong nắng. Vàng mới dát thì tươi, sáng chóe mắt. Vàng lâu năm, dát dày thì vàng hơi ngả cam, thâm trầm sâu lắng và sang quý cực kỳ. Xét như vậy thì đúng là Bagan thời hoạt động, các bảo tháp và mái đền có lẽ đều vàng rực thật, chứ không phải là gạch đỏ như bây giờ. Sư già chỉ cho chúng tôi những chỗ tháp bị nứt nẻ, sụp đổ, chắc do động đất. Phải chăng ý sư là thu tiền công đức để sửa chữa mấy chỗ này?
Những mái tôn ở nhà cộng đồng trong khu tu viện Kyaung Youqson.
Chia tay sư già, chúng tôi lại phát hiện cạnh tòa biệt thự của sư còn một tòa nhà sàn lớn, tương tự như căn nhà cộng đồng được biến thành bảo tàng mà chúng tôi mới tham quan, tuy không to và đẹp bằng. Thấy chúng tôi tỏ ý muốn lên xem, sư già ra hiệu bảo đừng lên. Nhưng từ trên nhà sàn, một sư tầm trung niên lại thò ra mời lên, thế là chúng tôi cứ lên. Đúng là nhà sàn này cũng là một nhà cộng đồng, với những hàng cột to đồ sộ, chạm trổ tinh vi từ sàn đến đỉnh.
Tuy nhiên, bên trong đã bị biến thành một ổ ăn mày. Sư trải mấy tấm chiếu nhựa rách nát xuống sàn làm chỗ ngủ, lấy chăn chiếu rẻ rách quây xung quanh một khoảnh thành như một căn lều ăn mày. Một đầu là chiếc tivi màn ảnh phẳng to tướng. Trên sàn tùm lum là chăn chiếu cốc chén bát đĩa, túi nilon, y hệt như ổ của một người vô gia cư trong một khu ổ chuột nào đó.
Ngoài khoảng ổ của vị sư thì toàn bộ đại sảnh là một đống kho ngổn ngang nào là bàn ghế gãy, chậu vỡ xô thủng, bụi bám dày đặc, mạng nhện chăng chi chít. Trong đống đó thấy hàng trăm cái âu khất thực của sư vứt lung tung, hàng đống áo cà sa để ngổn ngang, chứng tỏ nơi đây đã từng là đại sảnh của một tu viện hùng hậu. Sư lấy đèn pin, gạt đống rác rưởi, dắt chúng tôi đi xuyên vào sâu. Trong đó, trên nóc một cái thùng gỗ, có một tượng Phật nằm dài khoảng 50cm, màu trắng dát vàng. Sư lấy đèn pin chiếu vào lưng Phật thì thấy sáng rực, không biết là tượng bằng bạch ngọc thật hay composit giả bạch ngọc. Sư có vẻ rất tự hào về tượng đó. Rồi sư lại mở mấy cái rương, bên trong đầy ắp kinh sách. Có những bộ kinh cổ, viết trên thẻ tre mỏng tang. Chúng tôi không biết sư khoe tượng và kinh với mục đích gì, định bán hay chỉ định nói rằng trong đống rác này vẫn còn báu vật?
Ngoài tòa biệt thự gạch và nhà sàn cộng đồng, xa xa trong sân tu viện còn có những nhà sàn nhỏ đơn giản bằng liếp tre sơn đỏ. Đó là nơi ở của các chú tiểu. Bên trong các nhà đó cũng lộn xộn bụi bặm như ổ ăn mày của sư trung niên, chỉ khác là không có cái tivi, và mỗi ổ chắc có vài chú ở, căn cứ vào đống chăn gối tùm lum. Tôi không hiểu với tình trạng như vậy, các sư và chú tiểu sẽ tụng kinh niệm Phật hay ngồi thiền ở chỗ nào. Hỏi ra thì được biết rằng những chú tiểu dưới 20 tuổi chưa được coi là sư. Các chú thường là trẻ mồ côi hoặc con nhà nghèo không nuôi được thì gửi vào chùa nuôi hộ. Chùa có thể dạy các chú kinh phật, cũng có thể không, tuỳ từng chùa. Đến 20 tuổi, các chú được coi là trưởng thành, thì sẽ tự quyết định có theo nghiệp sư hay lại hoàn tục.
Các chú tiểu ở Salay.
Ra khỏi tu viện, chúng tôi có để ý một vài tu viện khác, thấy cấu trúc đều tương tự: có một khu đền tháp quét vôi trắng và đỉnh dát vàng. Bên cạnh là một nhà cộng đồng. Gần đó sẽ có những nhà ở cho tăng nhân, chú tiểu. Có những chùa trông rất khang trang lộng lẫy, mái dát vàng ròng, sư có vẻ đông, ra vào tấp nập. Lại có những chùa khác trông vẻ heo hút như cái chùa chúng tôi vào, nhà cửa xuống cấp, mặc dù khuôn viên cũng rất rộng rất đẹp.
Hỏi ra mới biết rằng mỗi chùa thường do một đại gia hay một nhóm đại gia đình cúng tiến, y hệt như thời đức Phật còn sống. Họ mua những khu vườn rộng, địa thế đẹp, có cây to bóng mát, rồi xây tháp, xây đền, dát vàng dát bạc, làm nhà cửa rồi phúng tất cả cho tăng đoàn. Họ cũng chu cấp cho tăng đoàn phần lớn vật dụng, áo quần, điện thoại di động, xe cộ, các chi phí tu sửa hương khói. Cứ xem cách cúng tiến như vậy, đại gia nhà ta còn phải chạy dài. Nhưng khi vị đại gia đó chết đi hoặc thất thế, sa sút, hoặc vì lý do gì đó mà người kế tục không mặn mà nữa, thì các tu viện sẽ bị bỏ mặc. Hàng vạn chùa như vậy, chỉ có một dúm chùa lọt vào diện di sản thế giới, mới có nguồn thu thường xuyên từ Lữ khách . Người dân Myanmar chỉ đi chùa ngày rằm, và cũng chỉ cúng ít cơm gạo, đồ ăn và ít tiền giọt dầu mà thôi. Sư có thể đi khất thực để sống qua ngày nhưng gần như không có kinh phí để làm gì cả. Tu viện khi đó sẽ bán dần những đồ quý từng được cúng tiến từ xưa, trong thời hoàng kim của mình.
Theo: soi.today