hành trình Myanmar dường như bị lãng quên ở Đông Nam Á. Bởi có lẽ, trong suy nghĩ của tôi và các bạn, đó là nơi thường xảy ra những cuộc bạo loạn, bất ổn về chính trị hay chính sách chưa cởi mở. Chính điều đó đã thôi thúc tôi xách ba lô lên và đi để khám phá đất nước huyền bí này, với một ít thông tin tìm hiểu được trên mạng. Hành trình của tôi bắt đầu…
Ba khu chợ nổi tiếng nhất định phải tới khi đến Myanmar
Cố đô Yangon: Ô tô, mặc váy và ăn trầu!
Cố đô Yangon gây cho tôi sự thích thú lớn bởi giao thông ở đây. Một đất nước còn nghèo khó nhưng trên đường phố chỉ là những chiếc xe ô tô, tuyệt nhiên không có xe máy bởi phương tiện này bị cấm hoàn toàn trong trung tâm thành phố. Những chiếc xe ô tô cũ kĩ là phương tiện di chuyển chính. Xe buýt thì dường như đã hết hạn nhưng vẫn được đông đảo người dân sử dụng, họ chen nhau trên một chiếc xe mà cửa không bao giờ đóng, nhiều người bám cả vào cửa xe chỉ với một mục đích là có thể được di chuyển.
Điều kỳ lạ thứ hai là người dân nơi đây đều mặc váy và ăn trầu, ít thấy người mặc quần jean. Váy của đàn ông gọi là longyi, màu đậm, được túm trước bụng. Váy của phụ nữ là shayi, có nhiều hoa văn và được quấn lại một bên hông. Nhìn thì đơn giản nhưng để mặc nó cho chắc chắn lại là cả một vấn đề. Đây là trang phục truyền thống, nó như một dấu hiệu báo cho tất cả khách thăm quan biết rằng họ đã đặt chân đến đất nước Myanmar.
Là đất nước sùng đạo Phật, cảnh tượng khá quen thuộc là cứ mỗi sáng sớm, tôi lại thấy một hàng dọc các nhà sư choàng áo đỏ, đi chân đất, tay ôm bình bát cúi đầu im lặng bước đi khất thực. Người dân nơi đây cũng không cần vào chùa tụng kinh, cũng không cần khoác áo cà sa. Mỗi ngày, người dân Myanmar vẫn “tu” bằng chính lối sống của họ: thật thà, chất phác hiền lành và vô cùng hiếu khách.
Tới Yangon, một nơi chắc chắn tôi không thể bỏ qua đó là quần thể chùa vàng Shwedagon. Chùa bao gồm 1000 đơn thể chùa bao quanh toà bảo tháp trung tâm. Trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá quý có thờ tượng Phật bên trong. Bảo tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật được phủ kín bởi gần 10 ngàn lá vàng với tổng khối lượng hơn nửa tấn. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn về đêm, ngôi chùa vàng luôn rực rỡ sắc vàng lấp lánh.
Ngoài ra, Yangon còn thu hút tôi bởi những kiến trúc kiểu thuộc địa cũ, của những màu sắc đỏ vàng trên các công trình ấy, nơi mà xen lẫn trong không gian tâm linh là những ngôi chùa Phật giáo, những nhà thờ Công giáo, những đền thờ Hồi giáo.
Bagan: Vùng cổ tích không lo… đạo chích!
Tất nhiên là đã đến Myanmar, tôi không thể bỏ qua vùng cổ tích Bagan. Mỗi người đến Bagan đều có những câu chuyện kể khác nhau, với tôi nơi đây là một Bagan đẹp ngời trong nắng sớm, một Bagan se lạnh khi màn đêm buông xuống. Bagan, vùng đất của những ngọn tháp bằng đất nung, của những con đường đất bụi mịt mù và của những con người thân thiện.
Bagan có diện tích chỉ 42km2, từng là thủ đô tráng lệ của Myanmar suốt 230 năm. Những ngôi đền, chùa, tháp nơi đây được xây dựng từ giữa thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13. Hiện tại nơi đây chỉ còn khoảng hơn 2000 ngôi đền, chùa, còn quá nửa đã bị phá hủy. Thế nhưng Bagan luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ với những kẻ lữ hành như tôi.
Ở Bagan, sẽ có nhiều lựa chọn di chuyển, bao gồm xe ngựa, xe bò, xe đạp và cả xe đạp điện. Tôi lựa chọn di chuyển bằng xe đạp điện và thuê được nó với giá được cho khá mềm (6000 kyat – khoảng 100.000 đồng/1 ngày). Người Myanmar vốn rất thật thà, chất phác nên khi thuê xe tôi không cần phải đặt cọc bất cứ thứ gì. Và thế là tôi vi vu khám phá Bagan trên chiếc xe vừa thuê được, điều tôi thích bởi nơi đây dường như không có kẻ cắp, mọi điểm đến ở Bagan đều không có người trông giữ xe mà chỉ cần xếp xe ngay ngắn ở cổng các khu thăm quan.
Bagan đẹp mê hồn bởi những nét cổ kính trong màn sương sớm bao trùm lên tháp cổ. Đến nơi đây tôi có cảm giác như đang ở một thế giới khác, một sự thanh bình hiếm có sự ồn ào của xã hội hiện đại ngoài kia.
Chùa cổ Shwesandaw được coi là địa điểm 'hot' nhất Bagan dành cho việc ngắm bình minh bao trùm xuống kinh thành cổ xưa Bagan. Chỉ cần thả hồn bên tháp cổ để ngắm bình minh nơi đây đã khiến người ta thấy thoải mái, thanh tịnh và thư thái rồi. Bên cạnh đó, đền Payathozu cũng là một trong những nơi ngắm bình minh đẹp nhất tại cố đô này. Còn đền Tayonke Payay được coi là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Bagan, ở đây tôi được chìm đắm vào trong màu sắc huyền ảo và hồi hộp chờ ánh mặt trời khuất dần sau các chân tháp.
Hình thức trải nghiệm đặc biệt nhất là bay khinh khí cầu để có thể ngắm toàn cảnh cố đô trong nhiều giờ và ngắm những đền đài vào buổi sáng sớm ở Old Bagan.
Bagan không chỉ níu chân tôi bởi những ngôi đền đẹp và thiêng liêng mà còn khiến khách thăm quan phải dừng chân bởi những con người thân thiện.
Đến đây tôi được thoải mái chụp hình, cầm xem sản phẩm của những người bán hàng hồi lâu rồi trả lại, rời đi không mua bất cứ thứ gì nhưng vẫn nhận lại được sự niềm nở và tươi cười.
Bagan là vậy, cứ làm cho người ta phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đến Bagan để sống và cảm nhận sự yên bình trong từng hơi thở, tận hưởng cảm giác thông động khi đi qua những ngôi đền xưa cũ cũng đủ một ngày trôi quá thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Mandalay: Ngắm hoàng hôn ở cầu Ubein
Tôi đã đi thẳng tới cố đô Mandalay thay vì tới hồ Inle bởi thời gian không cho phép. Vì điều kiện còn khó khăn nên đường xá nơi đây chưa được tốt, việc di chuyển giữa hai điểm đến mất khá nhiều thời gian (Quãng đường 150km mà đi mất gần 6 tiếng đồng hồ).
Địa điểm đầu tiên mà tôi đến ở Mandalay là Mandalay Hill, nơi có thể ngắm toàn bộ thành phố Mandalay từ trên cao.
Nằm cách Mandalay Hill không xa là Cung điện Mandalay, đây là cung điện hoàng gia cuối cùng của chế độ quân chủ Miến Điện. Cung điện được xây dựng giữa năm 1857 – 1859 và là nơi ở của hai vị vua cuối cùng của Myanmar là vua Mindon và vua Thibaw.
Nằm tại ngoại ô cố đô Mandalay, cây cầu gỗ dài nhất thế giới Ubien nối liền hai bờ của sông Taungthamna là địa điểm quen thuộc của người dân địa phương và các tín đồ Đạo Phật đến ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn. Cầu Ubein là địa điểm hấp dẫn khách thăm quan, nên trên cầu toàn người là người và hầu hết mọi người sẽ chọn chỗ những cái chòi nhà hàng để ngồi xem và chụp ảnh.
Như tên của bộ phim mà Kha Chấn Đông vừa đoạt giải Nam chính tại LHP Kim Mã – Tạm biệt Mandalay. Tôi phải chào từ giã nơi đây, với những tiếc nuối về vọng lâu và hào lũy của cổ thành, với những tia nắng đầu tiên hay hoàng hôn tắt dần ở cầu Ubein. Sẽ nhớ mãi cả Bagan huyền thoại, cả ấn tượng về ô tô, về sự thân thiện của người dân nơi đây.
Tạm biệt Myanmar, hẹn gặp lại…
Theo thegioidienanh